Tiểu đường: Khi thói quen gia đình trở thành di sản nguy hiểm
Câu chuyện bất hạnh, không dành cho người đa cảm! Nằm trong seri về rác thải tâm lý, sinh lý và vật lý.
Lúc này là 5h30’-9/4/25. Thói quen dậy sớm mà không cần đặt báo thức được tui rèn luyện từ lâu, nhìn chung là đơn giản lắm (chủ đề này có thể nói trong một post khác).
Ngoài đường các ông bà đang tập thể dục tíu tít, hội người cao tuổi cứ sáng và tối là hoàn thành mấy mươi vòng từ đầu tới cuối xóm. Chỉ có vợ chồng ông bà Sen cách nhà tui vài căn thì tầm 7h mới tập thể dục. Vóc người ông cao, lưng thẳng, đẹp lão, dự đoán là một hot boy đúng nghĩa ở thời thanh niên. Nhìn vậy chứ ông cũng kiêng khem rất dữ vì có bệnh lý nền là tiểu đường.
Ông Sen thích Cát nên hay mang kẹo sang, mà không chỉ ông, lũ trẻ trong xóm cũng thường xuyên sang nhà tui, trong đó có cả bé con hàng xóm.
Cô hàng xóm
…. bằng tuổi tui, có con gái hơn Cát nhà tui 1 tuổi, hay qua lại chơi với nhau lắm. Thật ra hầu hết con nít trong xóm hay đến nhà tui chơi vì vợ chồng thoải mái tạo điều kiện cho chúng bày mấy trò nghịch ngợm, miễn là dọn dẹp sạch sẽ trước khi về. Ngoài việc chơi cùng con khi ở nhà, vợ chồng tui cũng thường quan sát khi cúng chơi ngoài đường. Vừa trông chừng xe cộ, vừa hòa nhập và hiểu cách chúng tương tác. Qua đó điều chỉnh được các hành vi lệch lạc. Bởi vì chúng rất dể bị tiêm nhiễm từ bạn bè, tivi, điện thoại.
Nhóc hàng xóm hơn tuổi nên dù gì cũng tinh nhanh hơn Cát, thế là hầu hết sau mỗi lần chơi cùng nhau, Cát lại ấm ức vì “chị chơi đểu quá”. Bù lại thì Cát cũng tiếp thu nhanh không kém! Nên là sau mỗi lần ở nhà chị hàng xóm về thì cũng học được mấy điều mới mẻ, kiểu như “hế nhô tình yêu, giang hồ giang nắng, bị lag…”
Nhận thấy Cát “học bài” từ chị hàng xóm nhanh quá, nên tui mới để ý thì thấy cô hàng xóm gần như chẳng chơi cùng con, ngoại trừ khi bọn trẻ xảy ra xung đột la khóc thì xuất hiện trong trạng thái dùng dằng. Mẹ làm chuyện của mẹ, bố lo chuyện bố, hai con trai ở độ tuổi cấp 3 học ra sao, bạn bè thế nào, chơi ở đâu thì cũng chẳng quản lý được nữa! Còn mỗi cô con gái út thì mò mẫm tự chơi, xem ti vi không kiểm soát. Chực chờ trên tay không bánh thì kẹo hoặc bim bim, que cay, lúc các gia đình khác ăn tối thì bé con đã lưng bụng vì đồ ăn vặt rồi. Kể ra thì rất mâu thuẫn khi mẹ bị tiểu đường type 2 ở độ tuổi còn quá trẻ và phải kiêng khem, quy củ trong chuyện ăn uống, nhưng lại hờ hững việc chăm con từ miếng ăn tới tâm sinh lý.
Nếu trông mặt mà bắt hình dong thì cô ấy rất “sáng” và hoạt ngôn, lúc thiếu niên từng được mệnh danh là hoa khôi của xóm. Chỉ có điều là những lựa chọn chưa đúng thời trẻ và thực tế cuộc sống vã cô ấy hơi mạnh tay tí. Để tìm sự an lạc trong tâm hồn thì hình như cổ và chị gái có thực hành thần số học thì phải. Tui biết được là vì trước kia cả xóm hay uống cà phê cuối tuần ở quán quen. Hôm đấy hai cha con đến sau, đi gần tới bàn thì nghe hai chị em đang luận giải số điện thoại của mẹ Cát 😱
Cũng chẳng biết các con số có dự đoán được tương lai hay có khả năng dịch chuyển càng khôn, thay đổi được vận mệnh của cổ không. Nhưng chắc chắn là tiểu đường type 2 nó vẫn ở đó.
Tiểu đường lặng lẽ rình rập, một kẻ sát nhân thầm lặng không bao giờ để lộ tiếng bước chân. Nó ẩn mình trong bóng tối của những bữa ăn vô độ, những đêm nhậu say sưa, chờ đợi thời cơ để tấn công mà không ai hay biết. Như một tên gián điệp bậc thầy, nó len lỏi vào dòng máu, âm thầm phá hủy từ bên trong, từng chút một – tuyến tụy kiệt sức, mạch máu rạn nứt. Và khi nạn nhân bắt đầu nghi ngờ, nó đã kịp kéo theo đám tay sai hung tợn: tim mạch tắc nghẽn, thận suy yếu, mắt mờ dần như màn sương phủ kín. Tiểu đường không vội vã, không ồn ào; nó kiên nhẫn, để lại dấu vết chỉ khi mọi thứ đã quá muộn – một kẻ thủ ác hoàn hảo trong thế giới tội phạm sinh học.
Tác động âm thầm của căn bệnh này làm ta hay chủ quan, mà hệ quả thì nặng nề và thường ập đến cùng một lúc.
Trường hợp rõ rất là bà cụ nhà tui, không biết là do di truyền/lối sống, nhưng trước 2015 là đã bắt đầu kiêng khem và theo dõi chỉ số đường huyết rồi. Khi đau ốm đi viện thì phác đồ điều trị khi nào cũng phức tạp và dài hơn, khả năng hồi phục cũng chậm hơn.
Sau này bà cũng phải thay thủy tinh thể vì mắt mờ, lúc đó bà chưa nhiều tuổi lắm đâu. Cao huyết áp, mỡ máu, gan nhiễm mỡ, xơ vữa động mạch cũng xuất hiện và hiệp đồng tấn công. Giai đoạn 5 năm về trước thì bắt đầu thận yếu, rồi tai biến. Chế độ ăn uống sau này gần như không có muối, và chỉ ăn đường từ trái cây. Thuốc thì uống cả vốc, tiêm insulin mỗi sáng.
Anh hàng xóm
…tuy ít khi anh em gặp nhau, nhưng được cái ảnh rất nhiệt tình.
Ảnh lái xe tải đường dài, thế nên hầu thư cả tháng mới xuất hiện ở nhà đôi ngày mà thôi, rong ruổi trên những nẻo đường làm ảnh cứ vui tính thế nào ấy, hoặc có khi vì thích những điều vui vẻ, nên ảnh chọn làm bạn với những cung đường.
Thỉnh thoảng được mấy ngày nghỉ thì kiểu gì ảnh cũng mời bạn về nhậu, ảnh mà thấy tui là rủ vô liền liền. Cơ mà khoản bia rượu hơi kém nên chẳng dám vào, bác ấy uống là phải cả buổi mới tàn canh, vui lên thì hai buổi, hạng to con rẻ tiền như tui chỉ có ngất tại chỗ.
Ơn trời là vợ ảnh rất hiểu chuyện và thương cho cảnh “Cầm cương tung hoành muôn dặm, rượu ngon đành gác lại bên thềm”. Thế nên ảnh nhậu thoải mái mà chẳng mấy khi cổ cằn nhằn, còn support nhiệt tình.
Những dịp đó các thành viên gia đình tề tựu đông đủ, loa kẹo kéo gào thét, lời ca như bão tố giang san, hòa men say át trăng sao!
Hổm rầy, một nhà trong xóm gọi thợ sơn sửa lại cửa nhà, nhìn tươm tất hẳn. Thấy vậy, tui mới bảo ảnh: “Hay tiện thể anh kêu thợ xây luôn cái nhà xí gần cổng đi. Chứ say xỉn mà cứ đứng ngoài bờ rào tiểu tiện, có ngày té xuống cống!”
Nói vậy thôi mà ổng quắc mắt, xắn tay áo để lộ mấy vệt mực đen. Cú đó cứ tưởng bị ảnh tẩm quất ra trò rồi!
Không ít lần giữa những cuộc nhậu tại sân nhà, anh hàng xóm nhọc nhằn, xiu vẹo thân chinh sang tận bờ rào đối diện và trưng chú chim vành khuyên ra trước mặt bao người già và trẻ nhỏ, dĩ nhiên là có cả con gái ảnh nữa.
Thế nên tui càng khẳng định uống nhiều bia rượu không những hại gan mà chắc chắn là nguyên nhân của bệnh tiểu đường, ngoài ra thì nó còn có….
Nguy cơ lây nhiễm cao nữa
Tui nói vậy bởi vì mới tối hôm qua thôi (bây giờ đã là ngày 10/4/25). Khi ấy trước ngõ trăng sáng gió lùa, bọn trẻ sau khi quét sạch đĩa trái cây ở nhà tui thì kéo ra ngoài, chạy nhảy như vừa trốn khỏi trận đói. Có mấy phụ huynh cũng ở đó.
Mãi chơi một lúc thì chị nhỏ hàng xóm la toáng lên “mắc đái quá” rồi kéo quần ngồi sụp trước cổng nhà người ta. Bà vợ tui mới ngăn lại bắt quay vào nhà đi tè.
Chị nhỏ hàng xóm cũng đã 5 tuổi rồi, và vẫn như mọi khi mẹ nó không có ở đó, bố thì chắc cũng đang rong ruổi trên những cung đường, hai anh thì đang ở đâu đó chẳng biết nữa!